2 min read
DẬY ĐI ĐỪNG MÊ NGỦ

Dậy đi đừng mê ngủ 

Loài mọt, rận, ốc, trai

Ẩn mình trong bất tịnh 

Mê muội chấp thân này. 

Đây là bài kệ đầu tiên thuộc phẩm Giáo học, phẩm thứ hai của Kinh Pháp Cú Hán tạng, bao gồm những lời dạy của Thế Tôn nhằm khích lệ các thầy tỳ kheo, các vị cư sĩ học và hành trì.Nội dung bài kệ như một lời đánh thức chúng ta đừng mê ngủ, đừng nghĩ trần gian là nơi mình có thể sống hoài, trẻ mãi, không bao giờ chết.  Loài người chúng ta vẫn thường chấp thân này là ‘ta’ thường còn, giống như loài ốc, loài trai thường nghĩ phần vỏ của chúng là nơi ẩn mình chắc thật, hoặc như loài sâu, loài mọt cho rằng gốc cây là chỗ chúng có thể nương thân lâu bền. Chính vì lý do đó, Thế Tôn cảnh báo chúng ta phải ‘dậy đi đừng mê ngủ’, phải thức tỉnh và sống cho đáng từng ngày, đừng ‘ẩn mình trong bất tịnh’, đừng ‘mê muội chấp thân này’ là trường tồn bất biến. 

Ngủ mê và thức tỉnh  

Có hai loại ngủ mê. Ngủ mê của thân xảy ra khi thân chìm trong giấc ngủ. Dạng ngủ mê vật lý này vậy mà dễ chịu vì ngủ sâu mấy đi nữa cũng sẽ có lúc thức tỉnh.  Ngủ mê của tâm khó thức tỉnh hơn nhiều. Bước ra khỏi sự cố chấp và những thói quen xấu được gọi là thức tỉnh khỏi ngủ mê của tâm. Người ngoài có thể đánh thức chúng ta dậy khỏi giấc ngủ vật lý, nhưng với giấc ngủ tâm lý, chỉ chính mình mới đánh thức được mình dậy. Giấc ngủ mê lại thường rất dài. Lấy cuộc đời con ve sầu làm ví dụ, thời gian ve ngủ vùi trong lớp vỏ ấu trùng dài gấp 10 lần so với thời gian làm kiếp ve. Khi ấu trùng hoá thành ve, chỉ từ phút giây ấy phẩm chất của ve mới được biểu hiện và kiếp ve được xem hoàn thiện nhất khi ve cất được tiếng kêu. Nào ai biết đâu giai đoạn ấu trùng của chúng ta cũng rất dài, trải qua nhiều kiếp.  

Được sinh ra trong kiếp người, chúng ta xem như thoát khỏi kiếp ấu trùng,và đời sống của chúng ta trở thành hoàn thiện nhất khi bản thân có khả năng cải tạo quá khứ, sáng tạo tương lai, nắm vững vận mệnh trong tay để làm đời sống từ phàm vươn lên Thánh. Sau một giấc ngủ mê dài, loài động vật cấp thấp khi thức tỉnh chỉ biết đến đời sống hiện tại.  Vì không có ký ức,chúng chẳng có quá khứ để lo âu, không có tương lai để toan tính.  Có những loài động vật di trú hằng năm để tránh lạnh hoặc tránh nóng, đó chẳng qua do tổ tiên của chúng truyền lại mà thôi.Ngược với loài động vật cấp thấp, con người có ký ức, có thể dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ để suy nghĩ, phán đoán điều hay gì nên làm, điều dở gì nên bỏ. Cũng chính nhờ có ký ức lâu bền, con người được xem là cao quy nhất so với các loại động vật khác. Vậy mới thấy chúng ta thật may mắn có được hình hài này, có khả năng phê bình tốt xấu, dở hay, từ đó làm chủ vận mệnh, định hướng tương lai, xa lìa đường phàm nhân, đi trên Thánh đạo. Thử hỏi mình đã khôn ngoan tận dụng năng lực kỳ vĩ của con người, đánh thức mình khỏi giấc ngủ mê của tâm? Hay mình vẫn là người dại, để mình chìm ngập trong sự biếng lười như loài mọt, rận, ốc, trai, vẫn ẩn mình trong bất tịnh

Ẩn mình trong bất tịnh 

Cả loài vật lẫn loài người đều cần chỗ ẩn mình. Loài động vật cấp thấp luôn cần ẩn mình vào một chỗ để sống còn, sạch dơ không quan trọng.  Ốc sò cần vỏ, loài hổ cần hang, bọ hung cần đống phân làm căn nhà lý tưởng.Loài người chúng ta phần lớn ai cũng rất cần hai chỗ tựa nương, một là chỗ tựa vật chất, và hai là chỗ tựa tình cảm.  Khi còn bé, chúng ta đã rất cần nương vào vật chất như đồ chơi, búp bê, chó mèo v.v.. để khoe mẻ với bạn bè.  Chỗ tựa tình cảm của ta lúc nhỏ là mẹ cha, anh chị. Đến tuổi trưởng thành, chỗ tựa vật chất của chúng ta trở thành nhà, xe, đất đai và chỗ dựa tình cảm,ngoài nơi bố mẹ, còn ở nơi người hôn phối và con cái trong gia đình, ở bằng hữu và những người giao tiếp trong ngoài xã hội. Chúng ta ngỡ rằng có của tiền và tình thương càng nhiều, chỗ tựa càng vững chắc. 

Nhưng sự thật, cả hai chỗ tựa nương ấy đều bất định, đồng nghĩa với tạm bợ, không bền. Chính vì lý do đó, Thế Tôn nhắc nhở chúng ta phải ‘dậy đi đừng mê ngủ’, phải thức tỉnh và sống cho đáng từng ngày, đừng ‘ẩn mình trong bất tịnh’, để ‘mê muội chấp thân này’ là trường tồn bất biến. Thế rồi sang bài kệ thứ hai của phẩm Giáo Học, Thế Tôn nhắc nhở chúng ta một vấn đề khác. Đâu có bị trọng thương Sao tâm như trẻ bệnh? Đối trước bao ách nạn Lại nằm ngủ mê man   Thế Tôn nhắc nhở chúng ta đừng làm khổ nhục kế, đừng mời gọi hết đau thương này đến đau thương khác về tràn ngập nơi thân tâm làm gì! Thế Tôn như trêu chọc chúng ta: ‘Anh có bị trọng thương đâu mà rên rỉ, bảo rằng mình khổ.  Anh đâu có phải em bé đâu mà cứ nằm vùi không chịu thức giấc! Đừng làm em bé nữa, hãy trưởng thành vươn vai đứng dậy, vượt ngang khổ đau, khắc phục khó khăn mà đi tới từng ngày.’Ngài nhắc chúng ta hãy trưởng thành cũng bởi vì chỉ những người trưởng thành mới nhận diện được phản ứng của tâm, trị được tâm bệnh, từ đó đối kháng được tất cả ách nạn, lo âu, bất an của đời sống do tâm bệnh gây ra. 

Phản ứng tâm  

Nhớ lại thuở còn bé, chúng ta hay nằm vạ để mời gọi sự chú ý của người khác.  Đến lớn, thói quen làm ‘khổ nhục kế’ này vẫn theo ta, khiến chúng ta thích tạo cảm giác tuyệt vọng để hành hạ mình, làm ra vẻ sầu thảm, bất an như ‘em bé bệnh’, mong được người khác thương cảm quan tâm và chăm sóc đến ta. Khi không ai quan hoài đến mình, chúng ta thất vọng, tạo cho mình một cách sống vô hồn, để tâm chìm ngập trong phiền muộn. Đây là một phản ứng thứ nhất của tâm. Khi không ai về đồng phe với mình, tâm bèn bất mãn, chống đối, bất hợp tác, đây là phản ứng thứ hai của tâm. Ngần này thôi đã tạo bao nhiêu xung đột trong đời sống. Suy cho cùng, những xung đột này được sinh khởi từ tâm thức thiếu tu. Bản chất sự việc chẳng làm khổ ai, chỉ vì chúng ta thiếu tu nên tự chuốt phiền muộn và làm khổ mình đấy thôi.

 Pháp trị tâm giải đãi 

Vẫn chưa hết, tâm còn một phản ứng khác nữa, đó là tâm lười nhác, giải đãi. Căn bệnh giải đãi của tâm có gốc từ ý lực.  Nếu muốn khắc phục căn bệnh này, đơn giản nhất là đừng để thân nhàn rỗi sinh bệnh hoạn, biếng lười.  Hãy luôn đặt mình trong tình huống cần nỗ lực, phải vươn lên để vượt khó. Có thể đầu tiên tâm cảm thấy bực bội, bất mãn, bức xúc khi gặp phải trở ngại. Chớ thối lui! Chỉ cần nghĩ cuộc đời này chẳng bao giờ phẳng bằng cho mình đi, khó khăn sẽ không còn là trở ngại nữa.  Với cách suy nghĩ lạc quan về cuộc đời như thế, tâm mất cơ hội giải đãi, biếng lười. Còn một cách nữa để trị bệnh giải đãi lười nhát, đó là phát triển năng lực trí tuệ để có một tâm sáng khoẻ. Ví dụ khi được thông báo sóng thần, hoả hoạn, động đất sắp xảy ra, người không có tâm sáng sẽ chẳng nghĩ ra cần làm việc gì. Tâm sẽ bảo thân ‘Chẳng sao đâu!’, thế là tự mình đưa mình vào cõi chết khi hoạn hoạ thật sự đến.  

Ngược lại, nếu có đủ năng lực trí tuệ, có được lực dụng từ sự phán đoán, ngay khi tiếp nhận được thông tin về hoạn hoạ, tâm bảo thân ‘Mau mau đi tránh nạn!’,  thế là chính mình giúp mình thoát chết. Tóm lại, căn bệnh giải đãi sẽ biến mất khi chúng ta có thân tâm khoẻ. Thân khoẻ sẽ làm tâm tinh tấn theo, khiến lòng hưng phấn và tràn ngập niềm vui trong cuộc sống. Tâm khoẻ sẽ điều khiển được thân cùng khoẻ, dựng dậy được lòng ham tu. Thế Tôn hiểu được thân tâm luôn có một mối liên hệ khắng khít, nên Ngài dạy chúng ta: ‘Đừng làm em bé nữa, hãy trưởng thành, hãy vươn vai đứng dậy, vượt ngang khổ đau, khắc phục khó khăn mà đi tới từng ngày.’ 

Nghĩ vậy không phóng dật 

Nội dung của bài kệ thứ ba trong phẩm Giáo Học có thể được xem là lời dạy của Thế Tôn về pháp hành, giúp giải quyết hậu quả của trạng thái mê ngủ do tâm thiếu tu tập gây nên.   Nghĩ vậy không phóng dật Học dấu vết Như lai Từ đây không ưu sầu Chánh niệm đến Tịch diệt Ngài dạy chúng ta phải tỉnh thức, không sống đời phóng dật biếng lười, phát nguyện đi theo gót chân của Như Lai. Ngài dạy chúng ta làm những việc của những bậc Giác ngộ làm, nói những lời của bậc Giác ngộ nói, nghĩ những điều của bậc Giác ngộ nghĩ.  Chỉ cần làm được vậy, sống miên mật trong chánh niệm, niềm vui tràn ngập trong thân tâm, không còn chỗ cho ưu sầu trú ngự, chẳng phải đợi kiếp sau mới chứng nghiệm được trạng thái Tịch diệt.  

Bàn về câu đầu của bài kệ, ‘Nghĩ vậy không phóng dật’mang hàm nghĩa ‘Hãy tư duy quán chiếu để dựng lại đời sống!’Chúng ta có khuynh hướng để đời sống của mình chìm chìm, trôi xuôi theo dòng đời.  Khi buồn, chúng ta thả mình trong cơn buồn, khi giận chúng ta để tâm mình tràn ngập trong nỗi giận. Thế Tôn khuyến khích chúng ta hãy cố gắng dựng dậy đời sống, làm thay đổi chính đời sống mình.  Làm thế nào để dựng dậy đời sống? Trong những sinh hoạt thường nhật, chúng ta phải quyết lòng không đi vào vết xe cũ, thiết lập những thói quen mới tốt lành hơn.Ví dụ, chúng ta có thói quen thức khuya, dậy trễ, nay hứa với lòng ngủ sớm để thức dậy sớm, có đủ 30 phút cho công phu toạ thiền đầu ngày.  Hoặc chúng ta xưa nay có thói quen làm việc trong thất niệm, nay hứa với lòng, khi uống ly cà phê sẽ uống từng ngụm chậm rãi, hoặc mỗi khi ăn sẽ ăn chậm lại để làm việc thiền tập được trọn vẹn trong ngụm cà phê, trong từng bữa ăn. Cùng lúc với thiết lập những thói quen mới cho sinh hoạt bên ngoài, chúng ta cũng bắt đầu kiến tạo những tập khí mới lành thiện hơn.  Ví dụ chúng ta có thói quen không nói lời ái ngữ, giờ hãy tập nói những lời dễ thương.  

Nếu lỡ nói một câu không dễ nghe, hãy tập thành thói quen dừng lại, xin được nói lại câu nói đó với ái ngữ. Ai thực hiện điều cần làm này, người ấy chắc chắn thay đổi được đời sống của chính mình ngày càng tốt đẹp hơn.  Tuy nhiên, nếu điều cần làm không được thực hiện trọn vẹn, chớ để sự ân hận dày vò tâm thức. Khi lỡ nói những lời không đẹp, xin lỗi xong, chúng ta phải biết xả bỏ quá khứ, không để lòng bị dằn vặt, hứa với lòng bắt đầu từ bây giờ trở về sau, khi có cơ hội, mình liền nói lời đẹp và dễ thương. Thế thôi!Ai chẳng biết sự tu tập là sự đổi thay từng chút một, không phải ‘mở mắt liền giác ngộ’. Vì thế nếu lỡ lầm lỗi trong khi thực tập, chớ để sinh khởi tiếng thì thầm, dìm mình sâu hơn trong ân hận, tiếc nuối.  Lại càng không được thối tâm trong công trình dựng dậy đời sống để làm sinh khởi nhân cách cao quý của Bậc giác ngộ trong ta. 

Học dấu vết Như lai 

Câu thứ hai của bài kệ, Thế Tôn dạy chúng ta ‘Học dấu vết Như lai’chính là học những đặc tính cao quý của Thế Tôn. Ít nhất có ba đức tính chúng ta cần học từ Ngài: Thân vô thất, Khẩu vô thất, Ý vô thất.  Chữ ‘thất’ có nghĩa là ‘lầm lẫn’, ‘vụng về’, ‘sơ xuất’. Thế Tôn luôn an trú trong chánh niệm, có năng lực toả sáng toàn thân, nên Ngài không có những lầm lỗi sai phạm nơi thân. Khi cần nói, Ngài không để một lời nói nào xúc phạm trái tim người khác, vì thế không có những vụng về trong ngôn ngữ Ngài sử dụng.  Hơn thế nữa, không có lời nào của Thế Tôn không là bài học về pháp hành trì. Chúng ta học được hai điều này thôi cũng đã có được hạnh phúc lớn trong cuộc đời. Thực tập ‘thân vô thất’, chúng ta đi đứng đoan trang trong chánh niệm, mọi cử chỉ được làm trong sự nhận biết.  Thực tập được ‘khẩu vô thất’, chúng ta không nói chuyện thị phi, không nói về điểm xấu của người, không dè biểu chê bai. Chính nhờ có được ‘Thân vô thất’ và ‘Khẩu vô thất’, chúng ta có luôn cả ‘Ý vô thất’. Tâm của chúng ta luôn vui trong thiện pháp, an lạc trong thực tập. Tóm lại, tâm luôn an trú trong chánh niệm chẳng những là học theo Phật thành Phật, để nói năng, hành xử, có nhân cách cao quý như Phật, mà còn giúp gia đình, tăng thân chung quanh ta cũng học theo Phật thành Phật? 

Từ đây không ưu sầu  

Câu thứ ba của bài kệ ‘Từ đây không ưu sầu’ chính là thành quả có được khi chúng ta biết ‘Học dấu vết Như lai’. Khi tâm luôn an trú được trong pháp hành, niềm vui tràn ngập lòng, tâm thức chẳng bao giờ trống trải. Vì thế mà chúng ta chẳng cần đến bạn bè, tiệc vui mới ‘không ưu sầu’. Đi là thực tập thiền hành, ngồi lái xe là cơ hội thực tập an trú trong chánh niệm. Cả không gian đời sống của ta luôn toả ra năng lực tu ấm áp, còn lợi lạc nào dễ thương hơn? Khi bản thân có lợi lạc như vậy, chúng ta mời gọi Tăng thân chung quanh cùng tu không khó.  Sự vững vàng trong pháp hành của chúng ta đánh động vào trái tim của Tăng thân.  Sự lành thiện của chúng ta không cần ngôn ngữ vẫn chuyển tải được đến Tăng thân. Thế rồi chúng ta và Tăng thân cùng đi trên đường trên con đường chánh niệm, đạt được trạng thái Tịch diệt, còn gọi là Niết bàn.  

Chánh niệm đến Tịch diệt 

Cũng nhờ ‘Học dấu vết Như lai’, chúng ta mời được năng lực nhận biết, tức năng lực chánh niệm toả sáng, thế là chúng ta có cả định lẫn tuệ.  Ví dụ từng bước chúng ta đi có năng lực chánh niệm soi sáng, tâm của chúng ta dừng lại bây giờ và nơi đây.  Dừng lại chính là địnhsự soi sáng chính là tuệ.  Định và tuệ cùng có mặt khi chúng ta thực tập chánh niệm là vậy. Hãy thử thực tập chánh niệm trên từng bước chân.  Khi dở chân lên hoặc đặt chân xuống, mọi động tác đều nhận biết tỏ tường.  Trong giai đoạn này, bước chân là đối tượng.  Khi thực tập chánh niệm trên đối tượng ‘bước chân’đã thuần, hãy mở rộng thêm đối tượng, không chỉ nơi bước chân mà nơi ‘cánh tay’, ‘đầu’, ‘mắt’ v.vv..  Đây còn gọi là thực tập ‘thân hành niệm’. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Thế Tôn dạy rằng một vị Tỳ kheo thực tập chánh niệm phải nhận diện được thân đang đứng thẳng hay cúi, đầu đang nghiêng hay ngửa, mắt đang mở nhìn hay khép chặt. Vị tỳ kheo phải nhận biết mọi động thái của thân mới được gọi là an trú trong chánh niệm.  

Thực hành ‘thân hành niệm’ có thể được so sánh với trường hợp người A sống với người B, nhưng cả hai không thể đối thoại vì không đồng ngôn ngữ.  Người A chỉ đơn thuần quan sát người kia đi tới đi lui, ăn uống, nói cười, cốt để hiểu được tỏ tường người B - con người kỳ lạ mình đang chung sống. Người B có làm gì đi nữa, đó là chuyện của người B, người A không phán xét dở hay. Nói cách khác, cái người mở mắt sáng- đích thực nó là trạng thái tâm- an tĩnh quan sát người lạ kia chính là năng lực chánh niệm đã có sẵn trong mỗi chúng ta. Chúng ta an trú trong ‘thân hành niệm’ càng lâu bao nhiêu, độ sung mãn của năng lực nhận biết càng nhậy bén bấy nhiêu. Việc phát hiện ý nghĩ hay cảm thọ sinh khởi bên trong không còn là chuyện khó làm đối với chúng ta nữa.  Việc tách mình ra khỏi cảm thọ buồn giận ghét thương, làm chủ được những cảm thọ tiêu cực ấy đối với chúng ta cũng dễ như trở bàn tay.  

Đừng nghĩ thực tập ‘niệm thân hành’ là những gì phức tạp. Chẳng cần tốn năm, mười năm hay một thời hạn nhất định. Đơn giản làm con người A quan sát con người B đang cùng có mặt, dễ vậy thôi! Pháp môn ‘Niệm thân hành’ mang lại nhiều lợi ích là thế! ‘Niệm thân hành’giúp tâm thức không trống trải, chẳng cần chỗ dựa tình cảm bên ngoài, không mê muội như người bệnh, không thiếu trưởng thành như em bé.  ‘Niệm thân hành’ được sẽ thấy tự nhiên mình có chuyển đổi được cuộc sống tốt đẹp hơn, tự nhiên bao tập khí xấu rớt mất nơi đâu.  Niệm thân hành được sẽ thấy mình luôn định tĩnh, tịnh lạc, ưu sầu. Ta không còn bất hạnh. Tu như trò chơi và thành đạt không phải khó! 

Kết luận 

Tôi xin dùng đoạn văn sau đây của ngài Patrul Rinpoche, có nội dung tương tự với ba bài kệ đầu của phẩm Giáo Học trong Kinh Pháp Cú Hán tạng để làm phần kết: Tình cờ gặp được một viên ngọc quý
Thì chẳng đáng gì đối với việc tìm được đời người quý báu.
Hãy nhìn xem những kẻ không biết ngao ngán luân hồi
Lãng phí cuộc đời ra sao! 
Thấy được Đức Phật thì chẳng đáng gì đối với việc thấy được chân tánh của tâm
Hãy nhìn những kẻ không có quyết tâm
Lại chìm sâu trong mê lầm ra sao! 
 

Trích‘Trong Lời vàng của Thầy tôi’ - Đức Patrul Rinpoche ‘Tình cờ gặp được một viên ngọc quý thì chẳng đáng gì đối với việc tìm được đời người quý báu.’ 

Hình hài chúng ta quả là một viên ngọc quý, chẳng dễ có được! Hãy nhìn xem những kẻ không biết ngao ngán luân hồi. Nhưng hãy nhìn mà xem, nhiều người trong chúng ta đang lãng phí đời sống, hoặc tệ hơn đã liệng đời mình vào niềm đau nỗi khổ, tạo điều kiện cho bản thân ngụp lặn trong luân hồi, trong ba cõi sáu đường. Lãng phí cuộc đời ra sao! Chúng ta là những người con Phật có tu tập, sẽ không để đời lãng phí như vậy!  Chúng ta sẽ khéo sử dụng hình hài này làm con thuyền vượt ngang dòng sinh tử, chứng nghiệm Niết bàn. 

Chẳng dại gì dùng hình hài như mỏ neo, neo con thuyền đời của chúng ta ở bến tử sinh! Thấy được Đức Phật thì chẳng đáng gì đối với việc thấy được chân tánh của tâm. Nếu biết trân quý đời sống mình, biết miên mật học và tu theo lời Phật dạy, chúng ta sẽ tự mình nếm được pháp hành trì, thấy được chân tánh của tâm. ‘Chân tánh của tâm’ cũng chính là Phật bên trong, chẳng phải quan trọng hơn nhiều so với Phật bên ngoài? Hãy nhìn những kẻ không có quyết tâm. Lại chìm sâu trong mê lầm ra sao! Là những người con Phật có tu tập, chúng ta sẽ đứng trên đôi chân của mình, quyết tâm sống đời tinh tấn để có được năng lực quán chiếu về đời sống vô thường. Chúng ta sẽ luôn tự nhắc nhở không được ỷ lại vào bất cứ ai, ngay cả với Phật cũng không, quyết tâm không vì mê ngủ mà quên tự mình củng cố phẩm chất con đường tu, một kiếp chứng nghiệm được tuệ giác. Đại chúng giờ đã nghe được lời đánh thức của Thế Tôn chưa: ‘Dậy đi đừng mê ngủ’! 

Thích Phước Tịnh dịch từ Kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Comments
* The email will not be published on the website.