Cuộc sống luôn tươi đẹp, có điều chúng ta không nhận ra nó thôi, ai trong chúng ta cũng luôn mong muốn được sống một cuộc sống bình yên, không phiền não, tuy nhiên sóng gió cứ đến dù không được mời, cho dù bạn có trốn tránh, thậm chí ẩn dật cũng không thoát khỏi chúng. Phiền não có khi là những chuyện thị phi đình đám, có khi chỉ là vài sự hiểu lầm nho nhỏ cũng làm ta vất vả nghĩ suy. Ai đó nói những điều không đúng về mình, đôi khi quá mệt mỏi chúng ta nói “thôi cứ mặc kệ dư luận, sao cũng được!” nhưng thật ra không đơn giản như vậy, tâm ta cứ bất an làm sao! cho đến khi nào mọi việc tốt đẹp thì niềm vui mới trở lại với mình. Và chính những phiền muộn tưởng chừng như nhỏ bé ấy lại có sức tàn phá tâm hồn ta, nó chính là nguyên nhân của những bệnh trầm cảm, làm cho chất lượng cuộc sống giảm đi, ta cảm thấy đời sống thật là vô vị. Vậy ta phải làm sao để cuộc sống luôn là những ngày tươi đẹp? để một bầu trời luôn tỏa sáng trong ta.
Để có một cuộc sống hạnh phúc từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội thật là không đơn giản chút nào, chúng ta thường suy nghĩ “tôi cứ sống thật với cái tôi đang có là được rồi!” nếu như thế thì thật đơn giản ai cũng đang như thế mà! Nhưng thật ra đôi khi “cái thật của mình” lại là cái phiền toái cho mọi người, bởi hầu hết chúng ta sống bằng cái Tưởng của chính mình, ta luôn cho những suy nghĩ của mình là đúng, là hợp lý. Ta áp đặt cái tiêu chuẩn trong mọi thứ theo quan điểm của mình lên cho người khác, thế là sự chống trái xuất hiện, bất mãn phát sinh, buồn giận len lỏi vào trong cuộc sống của mình, thế rồi ngày qua ngày chúng lớn dần lên do ta cho chúng thêm thức ăn mỗi ngày bằng cách chìm đắm mình vào suy nghĩ tiêu cực đó.
Vượt qua phiền não tuy không dể nhưng cũng không khó nếu chúng ta có thể tinh ý một chút, cố gắng thực tập những thói quen tốt mỗi ngày cho đến khi những thói quen này trở thành là một phần trong đời sống của mình thì dầu phiền não cỡ nào cũng khó mà dìm ta xuống được.
Những việc cần thực tập để chuyển hóa tự thân mình thì có rất nhiều, nhưng tựu trung những việc chính thì có thể nói gồm hai phần, đó là đối ứng với bên ngoài và đối trị nội tâm mình.
Đối với bên ngoài, có nghĩa là những hoạt động, hành xử của mình trong mọi giao tiếp, đối nhân xử thế trong xã hội, từ người thân trong gia đình, đến bạn bè đồng nghiệp và đến cả những người ta mới quen, thậm chí là người lạ, tất cả hành động, nói năng phải dựa trên chuẩn mực của sự chân thật, chỉ có sự chân thật mới mang lại cho ta sự bình an, tự tin, nó tạo cho ta một lực thu hút và sự đồng cảm với đối tác, cho dù đó là ai. Chuẩn mực thứ hai là sự ái ngữ, đến với nhau, chia sẻ với nhau bằng những ngôn từ của sự thương yêu và tôn trọng, hẳn trong chúng ta không thể nào có thể to tiếng với nhau khi mà người đối diện mình có thái độ lể độ và tôn trọng, thật nhân văn trong giao tiếp, vâng tôi tôn trọng bạn và chắc bạn không đành làm tổn thương tôi chứ.
Để đối trị chính mình, chúng ta cần những khoảng lặng nhất định trong tâm mình, sự tĩnh lặng thật cần thiết để ta soi rọi được những cảm xúc của chính mình, hiểu được cội nguồn của chúng và giữ được chúng trong tầm kiểm soát. Chánh niệm mới giúp ta được việc này, mỗi ngày dành vài mươi phút cho việc hành thiền, lâu dần tâm ta sẽ vững vàng khi đối cảnh. Giữ tâm mình trên hơi thở, thấy dể mà khó, tuy nhiên khi chúng ta dành nhiều thời gian để thực hành thì khó mấy ta cũng làm được.
Tập quán sát những suy nghĩ của mình, nhận ra được gốc rể của chúng, xem chúng xuất phát từ tham sân si, từ đố kỵ, ngã mạn, hay chúng sanh khởi do từ tâm hoặc trí tuệ, càng nhận ra chúng nhiều chừng nào thì phiền não càng xa ta chừng ấy, ta gọi đó là tuệ quán. Chúng ta chỉ có ngần ấy việc phải làm, theo dõi hơi thở và quán sát các suy nghĩ của mình, đến một lúc ta sẽ thấy suy nghĩ và ta tách ra làm hai thật rõ rệt, lúc ấy ta như người quan sát, đang theo dõi các dòng suy nghĩ, nhờ vậy suy nghĩ không còn khả năng hay năng lực để dìm chúng ta vào sự tiêu cực của tâm thức nữa.
Giá trị của thiền tập là vậy đó, nâng chúng ta lên một tầng tâm thức cao hơn, chững chạc và vững vàng hơn trong cuộc sống đầy bộn bề lo toan, đầy hỷ nộ ái ố, ai để mình trôi theo cảm xúc, người ấy khổ suốt, ai có thể kiểm soát những cảm xúc của chính mình thì hạnh phúc sẽ gõ cửa, thật đơn giản phải không bạn, vấn đề là ta có thật sự muốn thực tập hay không mà thôi.
- CT -